Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

Hồ Chí Minh nói về vai trò của thanh niên

Bất cứ một quốc gia dân tộc và chế độ xã hội nào muốn tồn tại phát triển đều phải quan tâm đến việc bồi dưỡng và phát huy thanh niên. Sự phát triển của thanh niên không những quan hệ đến vận mệnh và tồn tại của đất nước, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của dân tộc. Vì vậy, thanh niên luôn là lực lượng chiến lược của mỗi quốc gia dân tộc.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đưa ra vấn đề thức tỉnh thanh niên từ đó thức tỉnh cả dân tộc với niềm tin chắc rằng: “Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương”. Bằng nhiều hình thức Người đã từng bước thức tỉnh các tầng lớp thanh niên nước ta. Sau khi Luận cương về thanh niên thuộc địa được nhất trí thông qua tại Đại hội Quốc tế thanh niên Cộng sản lần thứ IV, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tác giả của văn kiện nổi tiếng này đã triển khai thắng lợi chủ trương xây dựng tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (trước đây gọi là Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), một tổ chức bao gồm phần lớn là thanh niên trẻ tuổi theo xu hướng cộng sản, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và cũng là tiền thân của Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương.

Cách mạng Tháng 8 thành công mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước, Bác Hồ dạy: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Nói về nhiệm vụ xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Bác nói: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các cháu rất nhiều” và tương lai đất nước sẽ phát triển ra sao, “Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu”. Bác vừa khẳng định vai trò lịch sử của thanh niên, vừa đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng cách mạng của thanh niên và vị trí chiến lược của công tác vận động thanh niên.

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, Người nhìn nhận thanh niên là lớp người “xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng CNXH; thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc” và “trong mọi việc thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”. Trong thời điểm miền Nam bị giặc Mỹ chiếm đóng, Bác vẫn luôn khẳng định vai trò của thanh niên: “Các cháu thanh niên miền Nam sinh ra và lớn lên trong hai cuộc đấu tranh yêu nước đã được rèn luyện thành một thế hệ thanh niên vô cùng gan dạ, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh, quyết chiến quyết thắng...”. Bác đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng và vai trò xung kích sáng tạo của thanh niên, Người tin tưởng: “... Bác rất tự hào, sung sướng và thấy hình như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang...”. Đó là kết luận vô cùng quan trọng, rất khoa học của Bác đối với sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ thanh niên nước ta đã và đang đảm nhiệm, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng bảo vệ Tổ quốc”.

Quán triệt tư tưởng của Người, Nghị quyết hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 4 (khóa VII), đã nêu: “thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường XHCN hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng...”.
Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII, sau khi nói về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định: “... Công việc đó là của toàn xã hội nhưng trước hết là của thanh niên, vì thanh niên có vị trí đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng và tương lai của dân tộc...”.

Thanh niên là lớp người kế tục tất yếu sự nghiệp cách mạng của cha anh đưa nước nhà đến một tương lai tươi sáng, bởi “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn là do thanh niên”. Mặc dù đánh giá cao vai trò của thanh niên “Vì thanh niên là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên trong tương lai”. Song Bác vẫn xem xét thanh niên là lớp người cần bồi dưỡng giáo dục để phát triển toàn diện.

Vì vậy khi đánh giá thanh niên với tất cả những ưu điểm vốn có của thanh niên, coi thanh niên là “bộ phận quan trọng của dân tộc”, “người chủ tương lai của nước nhà”. Nhưng Người luôn chỉ ra những nhược điểm hạn chế của một bộ phận thanh niên. Đó là thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, cá nhân, tự cao, tự đại... Bác yêu cầu thanh niên phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, tâm lý ham sung sướng tránh khó nhọc, thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay; lười biếng, xa xỉ, kiêu căng, giả dối, khoe khoang... Xuất phát từ việc coi thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, là người sáng tạo ra xã hội mới. Bác nhiều lần căn dặn cán bộ làm công tác thanh niên phải nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển. Người nói: “Từ ngày cách mạng Tháng 8 đến nay, thanh niên ta có cơ hội phát triển một cách mau chóng và rộng rãi”; đó là sự phát triển về học vấn, trí tuệ, nghề nghiệp và thể chất.

Thanh niên là đối tượng quần chúng đặc thù của công tác xây dựng Đảng, họ có những yêu cầu, những lợi ích chính đáng về mặt xã hội và lứa tuổi, họ đang trong quá trình hoàn thiện về nhân cách, đang phấn đấu vươn lên tích lũy kiến thức về mọi mặt và trau dồi đạo đức, phẩm chất phát triển toàn diện về nhân cách để trở thành con người mới XHCN. Do đó Bác dạy: “Phải quan tâm đến đời sống, công tác và học tập của thanh niên”. Người cho rằng đây là cách tốt nhất để củng cố niềm tin và mối liên hệ giữa các tổ chức thanh niên với đông đảo quần chúng thanh niên có những ưu điểm và hạn chế riêng, nhưng nếu không nhìn nhận và đánh giá đúng về thanh niên theo quan điểm phát triển thì dễ sinh ra “hẹp hòi, thành kiến, bảo thủ” không phát triển được thanh niên như Bác đã căn dặn.

Sinh thời, có lần Bác dạy: “Không nên gọi các cháu là thanh niên hư mà nên gọi là thanh niên chậm tiến” (theo hồi ký của đồng chí Vũ Quang trong một lần được làm việc với Bác về công tác thanh niên trong phong trào “Ba sẵn sàng”), cách gọi này phản ánh một quan điểm nhìn nhận khoa học của Người về thanh niên, Người nhìn nhận đánh giá về thanh niên không chỉ ở hiện tại mà còn ở tương lai phát triển của họ “thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”. Không phát triển thanh niên thì không thể góp phần phát triển xã hội mới. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ thanh vận tháng 9-1949, đối với công tác thiếu nhi Bác viết: “Ngày nay chúng là nhi đồng, 11 năm sau chúng sẽ là công dân, cán bộ”. Đây là quan điểm nhìn nhận của người đối với sự phát triển của các cháu thiếu nhi.

Quán triệt tư tưởng của Người, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói: “Thanh niên có phát triển thì dân tộc mới trường tồn”. Nhìn nhận, đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí của thanh niên cũng như các vấn đề của thanh niên trong quá trình phát triển của lịch sử và trong từng thời kỳ cách mạng là để hiểu sâu, hiểu kỹ về thanh niên và các vấn đề của thanh niên. Đây chính là tiền đề, là điều kiện hết sức quan trọng để định ra chiến lược, vạch ra đường lối, nội dung, giải pháp giáo dục, bồi dưỡng và tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của Đảng và dân tộc.

Trong Di chúc thiêng liêng Bác còn căn dặn toàn Đảng toàn dân: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của nhiều thế hệ nối tiếp nhau được tổ chức và chuẩn bị. Lịch sử là cụ thể, còn cuộc đời mỗi con người là có hạn; mỗi thế hệ chỉ có thể đi hết một chặng trên con đường cách mạng đã lựa chọn. Bác đã thấy rõ khả năng tối đa của thế hệ đi trước có thể làm được cũng như cái giới hạn tự nhiên mà thế hệ đó không thể vượt qua: “Con người ta sinh ra ai cũng lớn lên, già đi rồi chết”. Từ đó “bàn giao thế hệ” là tất yếu xảy ra, không chỉ là trao lại những gì đã có mà quan trọng hơn, khó khăn, gian khổ hơn nhiều là chuẩn bị cho lớp người đi sau những gì cần thiết cho họ vững chắc nhất và tốt đẹp nhất.

Để tạo điều kiện cho thanh niên phát triển nhanh theo tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010 trên cơ sở đó sẽ tiếp tục ban hành và hoàn thiện những chính sách thanh niên đáp ứng nhu cầu phát triển của thanh niên trên nhiều lĩnh vực; đời sống, lao động, học tập, rèn luyện, trưởng thành.

Hệ thống quan điểm của Bác Hồ về thanh niên, về vai trò, vị trí khả năng cách mạng của thanh niên đã minh chứng thanh niên là đối tượng quần chúng đặc thù của Đảng không những chiếm số lượng đông trong dân số mà còn là nguồn lực lao động có chất lượng, là đội xung kích cách mạng trong lao động, công tác trong những ngành mũi nhọn, then chốt của đất nước... Song điều quan trọng hơn cả, mang tính quyết định cho sự phát triển của đất nước chính là do thanh niên-thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, là lớp người sáng tạo, xây dựng xã hội mới. Do đó, không chỉ coi trọng giáo dục toàn diện “Đức, Trí, Thể, Mỹ” mà còn phải tập hợp đoàn kết các tầng lớp thanh niên, phát huy sức trẻ và trí tuệ của thanh niên là vấn đề vừa hết sức cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay.
-st-

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

Bí ẩn về các ninja

"Ninja" từng xuất hiện trong các bộ phim và truyện tranh của Nhật Bản. Nhưng không nhiều người biết về ninja và trường phái võ thuật Ninjutsu.

1) Ninja là những thần thoại

Trên thực tế, ninja và môn võ thuật mà họ theo học xuất hiện cách đây 800 năm. Các lò luyện ninja phát triển kỹ năng võ thuật để bảo vệ bản thân họ khỏi những chiến binh như Samurai. Nguyên tắc của trường phái võ thuật Ninjutsu là: Tẩu thoát khi có thể; nếu không thể đánh bài… chuồn, hẵng ra tay hạ sát. Không có gì là trái với đạo lý đối với ninja: họ có thể ném cát vào mắt của kẻ thù, giẫm đạp lên kẻ thù khi quỵ ngã… bất cứ việc gì có thể bảo vệ mạng sống của họ. Trải qua quá trình phát triển, ngày nay, ninja thường được thuê làm gián điệp, vệ sĩ tư hoặc ám sát thuê.

2) Bí mật những thanh kiếm

Sự thật của bí ẩn này nằm ở truyền thuyết đồn đại về việc ninja bắt kiếm bằng tay không. Nhưng trên thực tế, một ninja siêu đẳng cũng không thể ngăn cản một thanh gươm sắc bén chỉ bằng tay không. Họ sử dụng những thứ vũ khí bí mật và rất hiệu quả để chặn đường chém của thanh gươm.

3) Mặt nạ ninja

Ninja sử dụng mặt nạ và trang phục đen khi hành sự không hẳn được xem là đồng phục của họ. Ngày nay, hầu hết các ninja được thuê làm vệ sĩ đều ăn vận rất hiện đại. Cách đây 800 năm, việc đeo mặt nạ như một phần của đồng phục và ẩn nấp trong các lùm cây là cách thức giấu mình của ninja. Tuy nhiên, việc này cũng phụ thuộc vào môi trường và hoàn cảnh.

4) Sự biến mất của ninja

Sự biến mất đầy bí ẩn của ninja thực ra là vì nguyên tắc đầu tiên bất di bất dịch của họ: luôn luôn tìm cách… chuồn. Nếu một ninja có thể tránh được việc chém giết, họ sẽ tránh đến cùng. Để làm được điều này, họ cần trang bị một số vũ khí như phi tiêu (chỉ ném ra để hù dọa), bom khói, cát khô (để ném vào mắt đối phương)… Sau khi vận dụng các loại vũ khí chỉ mang tính chất cảnh cáo này, ninja có thể biến mất lẹ làng. Quả thực cũng không có gì thần bí ở đây cả!

5) Ninja và thuật điểm huyệt

Vô số huyệt đạo trên cơ thể người mà khi bị điểm đúng có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, ninja không sử dụng cách này để giết người mà chỉ điểm những huyệt giúp họ tự vệ hoặc kéo dài thời gian.

6) Tên của trường phái võ thuật Ninjutsu

Ninjutsu có nghĩa là nghệ thuật của sự rón rén và kiên nhẫn - đó là chiến lược và chiến thuật của chiến đấu. Có 18 quy tắc chính của việc luyện tập môn võ này, bao gồm: sự thanh lọc tinh thần; sử dụng cơ thể người khác làm vũ khí; chiến đấu bằng gươm; gậy và quyền trượng; phi tiêu; sử dụng lê; thuật hóa trang; thuật lặn dưới nước; thuật cưỡi ngựa; thuật tẩu thoát…

7) Shuriken - phi tiêu sát thương

Trên thực tế, phi tiêu chỉ là vũ khí thứ yếu mà ninja sử dụng. Có 2 loại chính: Hira có hình ngôi sao và Bo ở dạng thanh dài khoảng 21cm. Bên cạnh đó, ninja cũng sử dụng những vật dụng quen thuộc hơn như tăm tre hay kẹp tóc.

8) Vũ khí của ninja

Ninja chỉ sử dụng những vũ khí cổ đại của Nhật Bản nhưng họ cũng được huấn luyện dùng những vũ khí hiện đại như súng ống, bom mìn…

9) Sức mạnh của ninja

Điểm mấu chốt của trường phái võ Ninjutsu là sử dụng cơ thể một cách hiệu quả, cho dù cơ thể đó béo hay gầy, thấp hay cao. Sức mạnh của ninja không nằm ở tốc độ mà ở chỗ họ có thể đoán được chuyển động và đọc được suy nghĩ của đối phương. Bằng những động tác bình tĩnh và vững chãi, ninja có thể điều khiển được kẻ thù và giành chiến thắng. Trường phái võ thuật Ninjutsu chú trọng đến sự chuyển động của bàn chân và tư thế cân bằng tự nhiên.

10) Cướp biển và ninja
Mọi người thường hay so sánh ninja và cướp biển, ‘thế lực’ nào tốt hơn? Nhưng đây chỉ là một đề tài vui trên mạng Internet mà thôi. Thực tế, nếu so sánh ninja và cướp biển thì theo một góc nhìn nào đó, ninja tỏ ra ‘lương thiện’ hơn nhiều. Cướp biển có thể chiến đấu tới cùng vì lợi ích của họ, bất chấp mọi giá; còn ninja, họ có thể bỏ tàu và ‘bay’ trên mặt nước tìm nơi bảo toàn tính mạng.